"Nếu tôi mở một nhà máy, dốc hết vốn liếng vào đó, nhưng chứng chỉ hành nghề của tôi lại chỉ có 5 năm, nhỡ sau 5 năm không được gia hạn thì sao? Rủi ro lớn lắm, như thế ai dám đầu tư dài hạn"?!
Trao đổi với Báo SGGP, TS Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng, có lẽ chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận, có thể bãi bỏ hàng loạt điều kiện kinh doanh (ĐKKD) không cần tranh cãi. Như kiểu điều kiện “phải được tập huấn bởi cơ quan nhà nước” là loại đầu tiên phải bỏ hàng loạt trong hầu hết các ngành nghề.
PHÓNG VIÊN: ĐKKD là vấn đề được CIEM theo dõi rất sát trong năm 2018. Ông có thể cho biết, việc cắt giảm, điều chỉnh những ĐKKD vô lý đã được thực hiện như thế nào?
TS PHAN ĐỨC HIẾU: Theo thống kê mới nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính đến hết tháng 11-2018, đã có 25 nghị định về sửa đổi, cắt giảm điều kiện kinh doanh được ban hành, sửa đổi cho 80 nghị định, trải rộng trên 15 lĩnh vực của 15 bộ, ngành (ngoại trừ Bộ Công an không có đề xuất sửa đổi). Nhưng kết quả rà soát tất cả văn bản ban hành mới năm 2018 của CIEM cho thấy, có tới 37 nghị định có chứa đựng ĐKKD, trong đó 25 nghị định có nội dung rà soát và bãi bỏ. Đành rằng dòng chảy pháp luật phải tiếp diễn, nhưng chỉ riêng việc cập nhật số văn bản ấy để biết những gì đã thay đổi trong khung khổ pháp luật mà điều chỉnh kế hoạch, phương án kinh doanh cũng là bất khả thi với nhiều doanh nghiệp. Ngay cả việc chúng ta bỏ quy hoạch rất quan trọng là xăng dầu nhưng nhiều doanh nghiệp nói với tôi họ không biết điều đó. Vậy là, ngay từ việc đầu tiên: một khung khổ pháp lý có tính ổn định, minh bạch, được thông tin kịp thời đến doanh nghiệp đã là thách thức.
Về bãi bỏ ĐKKD, tôi nghĩ thế này: Liệu chúng ta có nên tiếp tục kiến nghị cắt giảm đi 50% hay là một tỷ lệ nào đó số ĐKKD nữa hay không? Bởi vì nhiều khi số lượng bãi bỏ chưa nói lên được gì nhiều.
Theo quy định của Luật Đầu tư, ĐKKD được ban hành là để đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Điều này được hiểu là, các quy định về ĐKKD nhằm hướng tới bảo đảm các trật tự công mà những hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong một số ngành, nghề có thể tác động tới nếu không bị kiểm soát. Thế nhưng, rất nhiều nghị định chỉ sửa sang lại câu chữ, các yêu cầu cho rõ ràng hơn mà thôi. Theo quy định tại Nghị định 88/2014/NĐ-CP (về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm - PV) thì một trong các điều kiện để được cấp phép là phải “có phương án kinh doanh” gồm có 4 nội dung bắt buộc. Nghị định 151/2018/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính - PV) đã sửa đổi điều kiện này thành “có phương án kinh doanh” với 2 nội dung bắt buộc. Như vậy, so với trước đây, nghị định mới đã đơn giản hóa ĐKKD và được tính là một ĐKKD được đơn giản hóa. Đối chiếu với Luật Đầu tư thì ĐKKD này không bảo vệ mục tiêu nào, trong khi can thiệp quá mức vào quyền tự chủ của doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp kinh doanh theo phương án nào, có hiệu quả hay không là do ý chí của họ và do thị trường quyết định chứ!
Vậy thì với phương châm hành động “đột phá” của Chính phủ trong năm 2019, ông đề xuất quy định theo hướng nào?
Tại sao chủ doanh nghiệp và người hành nghề không thể đến bất kỳ tổ chức nào có chất lượng dịch vụ tốt hơn, chi phí rẻ hơn để được tập huấn? Như ngành nghề quản lý chung cư, nhiều chung cư có bộ phận quản lý chuyên nghiệp, hoàn toàn có thể tổ chức tập huấn. Giao việc tập huấn cho sở thì sở cũng lại phải đi mời chuyên gia về, vì cơ quan quản lý nhà nước làm gì có trường lớp, cơ sở vật chất để tổ chức tập huấn. Hoặc tại sao phải yêu cầu “được cơ quan nhà nước Việt Nam cấp chứng chỉ hành nghề”?
Kiểm toán viên có chứng chỉ hành nghề kiểm toán của các tổ chức Mỹ, Anh, Australia có uy tín, được thế giới công nhận cấp có được hành nghề không, hay vẫn phải đợi cơ quan quản lý tài chính của ta cấp lại? Nhiều quy định về một số năm kinh nghiệm hay thời hạn của giấy phép cũng không hợp lý.
Nếu tôi mở một nhà máy, dốc hết vốn liếng vào đó, nhưng chứng chỉ hành nghề của tôi lại chỉ có 5 năm, nhỡ sau 5 năm không được gia hạn thì sao? Rủi ro lớn lắm, như thế ai dám đầu tư dài hạn. Bên cạnh đó, mọi đơn vị nghề nghiệp có chức năng kiểm tra, kiểm định cần được tách ra khỏi cơ quan quản lý nhà nước, trao hẳn nhiệm vụ này cho khu vực tư nhân. Các bộ không cần, không nên duy trì các cơ quan kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm kiểu vừa đá bóng vừa thổi còi. Tôi chẳng thấy lý do gì cản trở khu vực tư thực hiện các dịch vụ loại này.
Tôi mong muốn chúng ta có những kiến nghị mạnh mẽ, quyết liệt trên cơ sở thay đổi cách tiếp cận như thế, vì thời gian không đợi chúng ta. Với quy trình hiện nay, cứ đợi trình một luật, sửa một nghị định mất ít nhất một năm rồi!
Về lâu dài, hẳn là cần có cơ chế để “sàng sảy” ngay từ đầu những văn bản pháp luật chất lượng tồi thay vì ban hành rồi mới sửa đổi. Ông có nghĩ như vậy?
Đúng thế. Đầu tư cho làm chính sách, nâng cao năng lực của bộ phận làm chính sách mới là giải pháp căn cơ, lâu dài; có tầm quan trọng không kém gì đầu tư hạ tầng “cứng” khác. Trước mắt, trong khi chưa thay đổi được căn bản cách thức làm luật thì việc có thể làm được ngay là các bộ nên giao việc chủ trì soạn thảo chính sách cho các cơ quan không trực tiếp quản lý việc thực hiện chính sách. Việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao việc chủ trì soạn thảo Luật Doanh nghiệp cho CIEM chứ không phải là Cục Phát triển doanh nghiệp; tách bạch lợi ích ngay từ đầu có thể là một kinh nghiệm đáng tham khảo.
498/6 Nguyễn Thị Định, P. Thạnh Mỹ Lợi, Q 2, TP. HCM
0903 779 957 - 028 3742 3367
nhaxuongviet@gmail.com
nhaxuongviet.com.vn