Phạt như không!
Vừa chở con gái từ trường học về nhà, ông Đặng Hữu Thỉnh, nhà ở ấp 5, xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) lập tức đóng kín cửa nhà. Quan sát xung quanh, chúng tôi thấy hàng loạt căn nhà khác cũng trong tình trạng “cửa đóng, then cài” tương tự.
Giải thích điều này, ông Thỉnh chỉ tay về phía cơ sở giặt sấy quần jeans của Doanh nghiệp tư nhân Phạm Thị Bích (địa chỉ E1/16C7, ấp 5) nói: “Thủ phạm là đó”.
Ông Thỉnh kể, gia đình ông chuyển về đây ở được gần 3 năm và ngần ấy thời gian phải sống chung với ô nhiễm. Đêm cũng như ngày, mùi hóa chất từ cơ sở đó tỏa ra nồng nặc, nhất là vào chiều tối và sáng sớm. Nhiều hôm do hít quá nhiều khí độc, các cháu nhỏ bị ói.
“Hết làm đơn đến xã, chúng tôi lại trực tiếp lên huyện phản ánh, rất nhiều lần như thế nhưng đều không có kết quả. Gần đây nhất, trước tết, cả chục hộ dân trong khu vực đồng loạt phản ánh nên huyện và xã có phối hợp xuống lấy mẫu kiểm tra, nói có phát hiện vi phạm và hứa xử lý dứt điểm. Họ nói vậy nhưng đến nay cơ sở vẫn hoạt động và tiếp tục thải mùi hóa chất. Chịu không nổi, đầu năm gia đình tôi rao bán nhà nhưng khách đến xem, ngửi thấy mùi hôi, ai cũng bỏ đi. Giờ chỉ biết sống chung với ô nhiễm”, ông Thỉnh ngán ngẩm.
Các cơ sở này đã bị Phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) huyện Bình Chánh và Sở TN-MT TPHCM xử phạt hành chính, niêm phong máy móc, đình chỉ hoạt động trong tháng 1-2019, thế nhưng khó hiểu là đến nay tất cả đều đã hoạt động trở lại (?!). Người dân địa phương bức xúc: Có hay không việc cán bộ tiếp tay để vi phạm tồn tại?
Tại một số xã khác của huyện Bình Chánh như Vĩnh Lộc A, Phạm Văn Hai, Lê Minh Xuân, Tân Nhựt, Bình Lợi, tình trạng ô nhiễm môi trường nước và không khí cũng ở mức báo động.
Đi dọc các tuyến kênh Trung Ương, kênh An Hạ, kênh B, kênh C (nơi có các cơ sở dệt nhuộm, thu mua - chế biến phế liệu, khu trại nuôi heo… hoạt động), chúng tôi không chịu nổi mùi nhựa, hóa chất tỏa ra hăng hắc; mùi phân heo bốc lên nồng nặc. Bên dưới các kênh rạch, nước đen ngòm, nhiều đoạn nước có màu xanh, tím, đỏ.
Chưa xử lý triệt để
Nói về tình trạng ô nhiễm môi trường nước và không khí ở Bình Chánh, một cán bộ chuyên trách về môi trường của Phòng TN-MT huyện Bình Chánh (xin giấu tên) đánh giá: “Môi trường ở Bình Chánh đang rất ô nhiễm và sẽ ô nhiễm nghiêm trọng hơn”. Lý giải điều này, vị cán bộ trên cho hay, mỗi năm huyện Bình Chánh vận động di dời được vài chục cơ sở, doanh nghiệp vào khu công nghiệp; tuy nhiên, số cơ sở ô nhiễm phát sinh mới thì cao hơn gấp nhiều lần. Phần lớn cơ sở gây ô nhiễm môi trường là những cơ sở hoạt động không có phép, hoặc được cấp phép lĩnh vực này nhưng hoạt động ở lĩnh vực khác. Vi phạm công khai và phổ biến như vậy nhưng giải pháp của chính quyền và ngành chức năng thì chưa đủ mạnh, thiếu quyết liệt, thậm chí có dấu hiệu tiếp tay. Theo đó, vi phạm cứ phát sinh và tồn tại. Vị cán bộ môi trường dẫn chứng: “Năm 2016, UBND TPHCM yêu cầu UBND huyện Bình Chánh phải xử lý, di dời dứt điểm các trại nuôi heo gây ô nhiễm trên địa bàn. Thời gian đầu, huyện cắt cử cán bộ môi trường phối hợp với các xã vận động chủ trại nuôi heo di dời, xử lý vi phạm; tuy nhiên về sau các giải pháp yếu dần, đến nay vẫn còn hàng trăm hộ nuôi heo. Riêng tại xã Vĩnh Lộc A có gần 100 hộ, các trại heo này hoạt động gây ô nhiễm, toàn bộ nước thải gần như xả thẳng ra kênh”.
Ông Lôi Đại Phong, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B, thừa nhận việc xử lý, ngăn chặn ô nhiễm môi trường từ các cơ sở sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn xã thời gian qua chưa mang lại hiệu quả cao.
Nguyên nhân một phần do thẩm quyền xử lý của địa phương (đặc biệt là cấp xã) còn hạn chế; mặt khác các quy định về xử lý cơ sở, hộ kinh doanh - chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường còn nhiều kẽ hở, chưa sát với thực tế.
Đơn cử, Nghị định 155 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường không quy định việc tịch thu tang vật, phương tiện đối với cơ sở vi phạm. Khi kiểm tra, phát hiện vi phạm, ngoài xử phạt hành chính, lực lượng chức năng chỉ được niêm phong máy móc, thiết bị; tuy nhiên, sau khi lực lượng kiểm tra rời đi, chủ cơ sở lại tháo niêm phong, hoạt động tiếp.
Thậm chí, có cơ sở còn lách luật, tránh các hình thức xử lý tiếp theo bằng cách hủy giấy đăng ký kinh doanh hiện có và đăng ký giấy phép kinh doanh mới với tên gọi khác.
Theo đại diện Sở TN-MT TPHCM, đơn vị này đang xin ý kiến UBND TPHCM cho cưỡng chế các cơ sở vi phạm đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động, niêm phong thiết bị nhưng vẫn cố tình vi phạm.
Về giải pháp lâu dài để kéo giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, bà Phan Thị Bích Liễu, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, kiến nghị Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM, UBND huyện Bình Chánh khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cần giới hạn ngành nghề gây ô nhiễm môi trường, ngoài ra nên lấy ý kiến địa phương trước khi cấp phép.
“Về phía địa phương, thời gian tới, chúng tôi sẽ rà soát các hợp đồng thuê đất giữa chủ cơ sở sản xuất với chủ đất, nếu phát hiện việc sử dụng đất không đúng công năng, sai mục đích, địa phương sẽ cương quyết cưỡng chế”, bà Bích Liễu cho hay.
Xử lý cơ sở gây ô nhiễm ở các địa phương
UBND TPHCM vừa có báo cáo về xây dựng kế hoạch tài chính ngân sách năm 2019-2021 về bảo vệ môi trường, khẳng định thời gian tới TP sẽ hỗ trợ xử lý các điểm gây ô nhiễm môi trường bức xúc ở các địa phương.
Theo UBND TPHCM, thời gian qua, TP tập trung kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, cơ sở; xử lý các vi phạm, không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong khu dân cư. Qua đó, tình hình vệ sinh môi trường trên địa bàn TPHCM có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn gặp khó khăn do hệ thống thu gom và vận chuyển chưa đồng bộ. Cùng với đó, một số người dân chưa thực sự quan tâm đến bảo vệ môi trường khi cho các cơ sở hoạt động gây ô nhiễm môi trường thuê đất, làm gia tăng ô nhiễm. Trong khi đó, các đơn vị sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường vẫn cố tình đối phó, như không vận hành hệ thống xử lý nước thải, lén xả nước thải chưa xử lý ra môi trường…