Nguồn điện vô tận: Viễn cảnh như mơ, sự thật phũ phàng

Tin tức

Nguồn điện vô tận: Viễn cảnh như mơ, sự thật phũ phàng

Điện mặt trời được cho là một nguồn năng lượng sạch, nhiều người đã nghĩ đến viễn cảnh nguồn năng lượng này có thể thay thế cho nhiệt điện than. Vậy nhưng đằng sau đó là sự thật rất phũ phàng.

Giá điện mặt trời lao dốc, nhà đầu tư còn mặn mà?

Sức nóng của điện mặt trời bắt đầu “bùng nổ” khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 11 về cơ chế khuyến khích điện mặt trời vào tháng 4/2017. Lý do là mức giá điện rất hấp dẫn, lên tới 9,35 UScent/kWh (khoảng 2.086 đồng/kWh - giá bán điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD) và kéo dài tới 20 năm, cao hơn nhiều giá nguồn điện khác.

Tổng số dự án đang xếp hàng để triển khai là 332, với tổng công suất lên đến hơn 26,2 nghìn MW, bằng một nửa tổng công suất điện cả nước hiện nay (46 nghìn MW). Phải nói thêm rằng, để có được công suất nguồn điện cả nước là 46.000 MW thì Việt Nam đã phải mất tới hơn... 60 năm.

Điều đó cho thấy sức nóng của điện mặt trời đang ở cấp độ nào.

Nhiều nhà đầu tư đổ xô làm điện mặt trời.

Nhưng sau tháng 6/2019, cơ chế giá điện mặt trời mới sẽ được áp dụng và mức giá sẽ thấp hơn rất nhiều. Theo dự thảo mới của Bộ Công Thương, giá mua bán điện mặt trời sẽ được tính theo các vùng bức xạ và các loại hình khác nhau của từng dự án điện.

Cụ thể, Bộ Công Thương phân ra 4 vùng bức xạ trên cả nước. Đáng chú ý, vùng có bức xạ mặt trời cao có mức giá bán điện thấp hơn các vùng có bức xạ mặt trời thấp.

Cụ thể, Vùng 4 (6 tỉnh, gồm: Phú Yên, Gia Lai, Đăk Lăk, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) có giá mua điện rẻ nhất đối với loại hình dự án điện mặt trời mặt đất, ở mức giá 1.525 đồng/kWh (tương đương 6,67 US Cent/kWh). Mức giá này thấp hơn rất nhiều so với mức giá quy định tại Quyết định 11 (2.086 đồng/kWh)

Điều này đặt ra băn khoăn, với giá mua điện thấp hơn, phải chăng chính sách mới lại không khuyến khích phát triển dự án ở vùng có tiềm năng, bức xạ nhiệt lớn như Ninh Thuận, Bình Thuận?

Ông Phương Hoàng Kim, Cục trưởng Cục điện lực và năng lượng tái tạo cho rằng: Tư vấn (Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức - GIZ và Viện Năng lượng) khẳng định chính sách giá thấp với vùng bức xạ cao là đúng và công bằng. Logic là nơi có bức xạ cao thì giá phải để thấp hơn vùng bức xạ thấp, đây là điều thế giới vẫn làm. Ví dụ, Dubai, nơi có bức xạ lớn thì giá đấu thầu chỉ khoảng 3,7 cent/kWh, có khi 3,2 cent (với các điều kiện đất đai, hạ tầng đấu nối và các hạ tầng cơ sở khác đã có sẵn sàng). 

“Điều này cũng là để phát triển cân bằng, tránh chuyện phát triển nóng thời gian qua tập trung cục bộ một số tỉnh có bức xạ cao, trong khi hạ tầng ở đó chưa đáp ứng được cho mức phát triển đó”, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chia sẻ.

TS Nguyễn Thành Sơn, nguyên Giám đốc công ty năng lượng sông Hồng, cũng chỉ ra tình trạng bất cập hiện nay là các doanh nghiệp đổ xô vào Bình Thuận và Ninh Thuận để đăng ký phát triển điện mặt trời.

Chuyên gia này lo ngại sẽ xẩy ra những tiêu cực về chiếm dụng đất, nâng giá đất, mất cân đối về nguồn và phụ tải điện tại chỗ,..v.v... Kết quả nguy hiểm hơn là tại các tỉnh, thành và địa phương khác, các dự án điện mặt trời không thể triển khai được, gây lãng phí nguồn tài nguyên thiên nhiên này.

Vì vậy, ông Sơn đồng ý với phương án cần phải tính đến yếu tố "địa tô" trong khai thác năng lượng mặt trời (tương tự như khai thác tài nguyên khoáng sản). Có nghĩa là các trạm điện mặt trời ở những tỉnh có chỉ số bức xạ thấp cần được bán điện lên lưới với giá cao hơn so với các trạm điện mặt trời xây dựng ở những tỉnh có chỉ số bức xạ cao.

Theo đại diện Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, hiện tại, các tỉnh vẫn tiếp tục gửi đăng ký bổ sung quy hoạch các dự án mặc dù mốc cuối tháng 6/2019 đã đến và dự thảo giá điện mặt trời thay thế đã được công bố.

Điện mặt trời ở Việt Nam đang lên cơn "sốt"

Phập phù như điện mặt trời.

Khi điện mặt trời “bùng nổ”, nhiều người đã vẽ ra viễn cảnh có thể thay thế cho một phần nhiệt điện than. Nhưng thực tế lại không hoàn toàn như vậy. Điện mặt trời chỉ có ở một số khung giờ nhất định trong ngày, khác hoàn toàn so với nhiều nguồn điện khác.

Ông Nguyễn Thành Sơn cho rằng: Các nguồn năng lượng tái tạo mới như điện mặt trời thì độ bất ổn định của nó rất lớn, làm hệ thống điện vận hành rất không ổn định. Hệ thống điện của ta đã hợp nhất rồi, từ Bắc chí Nam, nếu một nhân tố vào mà không ổn định thì Tập đoàn Điện lực sẽ rất khó khăn trong duy trì ổn định hệ thống.

Ngoài ra, theo chuyên gia này, nếu thêm 1 kw công suất điện mặt trời hay điện gió vào hệ thống lưới thì EVN phải đầu tư 2,5kw để bù cho việc phập phù của điện mặt trời, nếu không hệ thống sẽ rã lưới, không thể vận hành được.

Một chuyên gia khác tính toán: Công thức là cứ phát triển 1.000MW điện mặt trời thì vẫn phải đầu tư 5.000 MW nhiệt điện.

Mặt khác, điện mặt trời lại đang tập trung các nơi nhu cầu điện khá thấp như Ninh Thuận, Bình Thuận, cho nên khi các dự án điện mặt trời tập trung tại đây lại phải đầu tư đường dây 500KV từ đó vào phía Nam hay ra miền Bắc.

Đã có những ý kiến cho rằng, EVN phải có trách nhiệm đầu tư đường dây truyền tải, không thể lấy lí do hệ thống quá tải để khiến các dự án điện mặt trời không phát được lên lưới.

Nhưng một đại diện của Tổng công ty Truyền tải điện Việt Nam cho hay: Đầu tư 1 đường dây thì từ bắt đầu chủ trương, phê duyệt bổ sung quy hoạch đường dây cho đến đến lúc đóng điện, nhanh cũng phải mất 2 năm với đường dây 220 KV, còn đường dây 500kV thì phải mất 5 năm. Với việc ra đời của Luật Quy hoạch, thì để xin bổ sung quy hoạch một đường dây thì gần như không xác định được thời gian.

Còn trường hợp nhà đầu tư điện mặt trời tư nhân nói sẵn sàng bỏ tiền làm đường dây thì lại có vướng mắc Luật Điện lực quy định truyền tải điện là khâu phải giữ độc quyền nhà nước.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam, cho rằng việc đẩy nhanh phát triển năng lượng tái tạo như điện mặt trời cũng cần phải chú ý tới một số đặc điểm như công suất phát của các nguồn điện này phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, nên cần có giải pháp để ổn định chất lượng điện năng (kết hợp phát triển với hệ thống lưu trữ năng lượng). Các dự án năng lượng tái tạo cần được ưu tiên phát triển tại khu vực có nhu cầu, như khu vực miền Nam và có tính đến khả năng truyền tải của hệ thống lưới điện.

CTY TNHH KỸ THUẬT VÀ THƯƠNG MẠI PHÚ ĐỊNH

 498/6 Nguyễn Thị Định, P. Thạnh Mỹ Lợi, Q 2, TP. HCM

 0903 779 957 -  028 3742 3367

 nhaxuongviet@gmail.com

nhaxuongviet.com.vn

Follow us

346003 Online : 3